Đà Lạt trước 1945 Lịch_sử_Đà_Lạt

Giai đoạn trước 1900

Năm 1897, Paul Doumer lên giữ chức Toàn quyền Đông Dương, giai đoạn mà Việt Nam và cả Liên bang Đông Dương tương đối yên bình. Sau thất bại của khởi nghĩa Hương Khê, những hoạt động vũ trang kháng Pháp tạm thời lắng xuống.[22] Trong một chuyến công du tới Ấn Độ vào năm 1897, Toàn quyền Paul Doumer có đến thăm các trạm nghỉ dưỡng được xây dựng trên những vùng núi cao, nơi có khí hậu tương tự như ở châu Âu. Paul Doumer bắt đầu quan tâm đến việc thiết lập những trung tâm nghỉ dưỡng tương tự dành cho người châu Âu ở Đông Dương.[23] Ngay từ những ngày đầu chinh phục thuộc địa, sức khỏe của binh lính và công chức Pháp, những người vốn không quen với khí hậu nhiệt đới, luôn là mối lo của các nhà cầm quyền thực dân.[24] Ngày 23 tháng 7 năm 1897, trong thư gửi cho các khâm sứ, thống sứ, Paul Doumer nêu lên bốn điều kiện cần thiết để xây dựng một trạm nghỉ dưỡng: độ cao trên 1.200 mét, nguồn nước dồi dào, đất đai có thể canh tác và khả năng thiết lập đường giao thông dễ dàng. Khi nhận được thư riêng của Paul Doumer, bác sĩ Alexandre Yersin đã đề xuất chọn cao nguyên Lâm Viên, nơi ông được biết đến trong chuyến thám hiểm năm 1893.[1] Trong hồi ký của mình, Alexandre Yersin viết:

Vào khoảng năm 1899, lúc ấy ông Doumer đang là Toàn quyền Đông Dương, tôi nhận được thư ông. Trong thư, ông yêu cầu tôi xác định cho ông biết, là theo những kiến thức của tôi, thì trong vùng núi non của Nam Trung Kỳ nước An Nam, mà tôi đã thám hiểm, có nơi nào thích hợp để xây được một nhà an dưỡng chăng. Ông kể những điều kiện cần có sau đây: độ cao thích hợp, diện tích đủ rộng, bảo đảm nguồn nước, khí hậu ôn hòa, có thể đến được. Thật rõ ràng, cao nguyên Lâm Viên thỏa mãn tốt những điều kiện này. Tôi đề nghị ông chọn nó và ông bằng lòng.[25]

Năm 1897, Paul Doumer cử một phái đoàn quân sự dưới sự chỉ huy của đại úy Thouard nghiên cứu một con đường từ Nha Trang lên Lâm Viên.[26] Sau 11 tháng làm việc, đại úy Thouard kết luận không thể xây dựng một tuyến đường nối trực tiếp Nha Trang với Lâm Viên. Thay vào đó, Thouard phác thảo một con đường xuất phát từ Phan Rang qua ngã Fimnom và gợi ý một tuyến đường khác nối thẳng Sài Gòn với Đà Lạt.[27] Khi đoàn Thouard còn chưa kết thúc, các đoàn nghiên cứu khác của Garnier, Odhéra và Bernard tiếp tục được cử đến Lâm Viên cùng khảo sát còn đường nối Phan Thiết – Di Linh – Đà Lạt. Missigbrott, một thành viên trong đoàn Thouard, đã ở lại sau chuyến khảo sát để lập một vườn rau và chăn nuôi gia súc, tạo cơ sở cho trạm nông nghiệp và trạm khí tượng sau này.[1] Cuối tháng 3 năm 1899, đích thân Toàn quyền Paul Doumer cùng bác sĩ Yersin đến cao nguyên Lâm Viên khảo sát thực tế và quyết định triển khai thực hiện dự định ban đầu.[28] Ngày 1 tháng 11 năm 1899, Toàn quyền Paul Doumer ký nghị định thành lập tỉnh Đồng Nai Thượng với thủ phủ Di Linh và hai trạm hành chính ở Tánh Linh và Lâm Viên.[29] Đây là tiền đề pháp lý đầu tiên cho việc hình thành chức năng hành chính của thành phố Đà Lạt sau này.[30]

Giai đoạn 1900 – 1915

Đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt, xây dựng từ 1903 đến 1928 và khai thác toàn tuyến năm 1932. Quá trình xây dựng tuyến đường sắt này gắn liền với quá trình hình thành Đà Lạt.

Năm 1901, Paul Champoudry, người được cử đến Đà Lạt với tư cách thị trưởng của vài chục cư dân, đã thiết lập một họa đồ tổng thể phát triển Đà Lạt.[31] Cùng năm đó, Toàn quyền Paul Doumer, sau dự định xây dựng tuyến đường sắt xuyên rừng từ Nha Trang lên Đà Lạt không thành,[32] quyết định thành lập tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt.[30] Tuy vậy, dự án xây dựng thành phố bị dừng lại khi Paul Doumer trở về Pháp vào năm 1902, các công trình gần như bị bỏ dở bởi thiếu kinh phí và trở ngại về giao thông. Thời kỳ này, Đà Lạt chỉ còn mười căn nhà tranh nghèo nàn, cư dân chủ yếu vẫn là những người Lạch cùng một số nhỏ người châu Âu và người Việt.[31] Mặc dù vậy, trong thời gian ngủ quên kéo dài hơn 10 năm này, nhiều đoàn nghiên cứu vẫn tiếp tục được Toàn quyền Jean Baptiste Paul Beau gửi tới Lâm Viên để khảo sát. Những kết quả của họ đã khẳng định chắc chắn hơn quyết định chọn Đà Lạt làm nơi nghỉ dưỡng, thay vì các địa điểm khác như thung lũng sông Đa Nhim hay cao nguyên Di Linh.[30]

Tháng 5 năm 1903, Tướng Léon de Beylié cùng một phái đoàn tới Đà Lạt và quyết định chọn nơi đây để thiết lập một doanh trại quân đội 3.500 đến 4.000 binh lính người châu Âu đồn trú.[31] Ngày 5 tháng 1 năm 1906, Hội đồng quốc phòng Đông Dương họp tại Đà Lạt và quyết định chọn cao nguyên Lâm Viên làm nơi nghỉ dưỡng, đồng thời xác định vị trí Đà Lạt thay vì khu vực Dankia.[33] Nhưng cho tới nhiệm kỳ của Toàn quyền Antony Klobukowski, 1908 – 1910, mọi hoạt động hầu như chững lại. Thị trưởng Champoudry cùng hội đồng thị xã khi đó "không có một khoản ngân sách đáng kể, không có một sự trợ giúp nào cả".[34] Thời kỳ này chỉ một vài công trình được xây dựng, trong đó có lữ quán cho khách vãng lai về sau trở thành khách sạn Hôtel du Lac, và các trạm nông nghiệp và khí tượng được chuyển từ Dankia về Đà Lạt.[35] Pierre Duclaux, một người Pháp tới cao nguyên Lâm Viên vào năm 1908, đã viết:

Đà Lạt! Tám hai mười mái nhà tranh của người Việt, một nhà sàn bằng ván thô sơ dành cho lữ khách, một vòi nước, quảng trường chợ, một nhà bưu điện đơn sơ... Còn dân cư? Vài chục người Việt bị đày, vài khách người châu Âu đi công tác hay trắc địa, những người thợ săn hay lữ khách hiếm hoi cùng đoàn tùy tùng. Tài nguyên? Gần như không có gì hết, không có một khoản ngân sách đáng kể, không có một sự trợ giúp nào cả... [Cư dân] phải thường xuyên chống lại cọp và beo rất nhiều trong khắp vùng.[36]

Đến nhiệm kỳ của Toàn quyền Albert Sarraut, sự đe dọa của Nhật Bản khiến Chính phủ Pháp nới rộng quyền hạn của Toàn quyền Đông Dương, cho phép cai trị thuộc địa bằng chính những nghị định do Toàn quyền ban hành.[37] Năm 1911, Albert Sarraut quyết định đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông lên Đà Lạt.[38] Năm 1913 và năm 1914, các tuyến đường bộ Phan Thiết – Di Linh và Di Linh – Đà Lạt lần lượt hoàn thành.[39] Đây là con đường lưu thông bằng xe đầu tiên nối Đà Lạt với vùng đồng bằng, trước đó để đến Đà Lạt chỉ có thể đi bộ hoặc đi ngựa.[40] Cùng với giao thông đường bộ, đoạn đường sắt Phan Rang – Krong Pha được đưa vào sử dụng giúp việc giao thương và đi lại giữa Đà Lạt với vùng đồng bằng trở nên thuận tiện. Đến năm 1915, có hai con đường để đi từ Sài Gòn tới Đà Lạt: tuyến Sài Gòn – Ma Lâm – Đà Lạt dài 354 km mất một ngày rưỡi và tuyến Sài Gòn – Phan Rang – Đà Lạt dài 414 km mất hai ngày.[41] Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, nhiều người châu Âu không thể trở về quê hương đã tìm tới Đà Lạt để nghỉ dưỡng. Từ năm 1915, nhiều du khách đã đến đây bằng xe hơi và Hãng vận tải Lang Biang (Société des correspondances Automobiles du Lang Biang) thuộc chi nhánh của Công quản Đường sắt Miền Nam bắt đầu tổ chức đưa du khách đến Đà Lạt nghỉ dưỡng, săn bắn.[38]

Giai đoạn 1916 – 1945

Quang cảnh Đà Lạt khoảng cuối thập niên 1920, khu vực gần khách sạn Langbian Palace, ngày nay là khách sạn Dalat Palace.

Khoảng thời gian từ năm 1916 đến năm 1945 là một giai đoạn đầy biến động của lịch sử. Hai cuộc thế chiến đã tác động sâu sắc đến tình hình chính trị và xã hội. Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, công cuộc khai thác thuộc địa tại Đông Dương trở nên sôi động, số vốn đầu tư của tư bản Pháp từ 170 triệu franc vào năm 1924 lên đến 585 triệu franc vào năm 1930.[34] Tình trạng lạm phát tại Pháp khiến cho đồng bạc Đông Dương và các nguyên liệu tăng giá, thúc đẩy sự đầu tư của tư bản Pháp trong khoảng thời gian 1924 đến 1930 lên tới 3 tỷ franc. Sự phát triển của kinh tế dẫn đến sự có mặt ngày càng đông những người nước ngoài tại Việt Nam với con số 30 ngàn người Pháp vào năm 1937 và 466 ngàn Hoa kiều vào năm 1943.[34] Hai cuộc thế chiến cũng khiến nhu cầu nghỉ dưỡng tại chỗ của người ngoại quốc tăng, trở thành cơ hội giúp thành phố du lịch Đà Lạt phát triển.[37]

Giai đoạn từ 1916 đến 1926 có thể xem như giai đoạn thể chế hóa Đà Lạt.[42] Ngày 6 tháng 1 năm 1916, Toàn quyền Ernest Nestor Roume ký Nghị định thành lập tỉnh Lâm Viên với địa giới: phía bắc là sông Krông Nô, phía đông nam là sông Krông Pha, phía nam là sông La Giai, phía tây là biên giới với Campuchia. Ngày 20 tháng 4 cùng năm, Hội đồng nhiếp chính của vua Duy Tân thông báo Dụ thành lập thị tứ Đà Lạt. Theo tinh thần của dụ này, toàn bộ quyền hạn đối với Đà Lạt được trao cho Toàn quyền Đông Dương, người Pháp toàn quyền sở hữu đất đai trong khu vực và dưới quyền điều hành trực tiếp của Toàn quyền Đông Dương.[43] Bốn năm sau đó, ngày 31 tháng 10 năm 1920, Toàn quyền Maurice Long ký nghị định thành lập khu tự trị Lâm Viên, phần địa giới còn lại của tỉnh Lâm Viên được mang tên Đồng Nai Thượng với tỉnh lỵ đặt tại Di Linh. Cũng ngày 31 tháng 10 năm 1920, một nghị khác của Toàn quyền Đông Dương ấn định khu tự trị trên cao nguyên Lâm Viên trở thành thị xã Đà Lạt và xác định nâng Đà Lạt lên thị xã hạng hai với những quy chế rộng rãi.[43] Năm 1926, một nghị định tiếp theo được ký vào ngày 26 tháng 7 đưa địa vị hành chính của Đà Lạt lên cao hơn: Đà Lạt vừa trở thành đơn vị trực thuộc Toàn quyền, vừa có tính tự trị cao hơn so với những thị xã khác.[44] Năm 1941, khi tỉnh Lâm Viên được tái lập, Thị trưởng Đà Lạt kiêm chức Tỉnh trưởng tỉnh Lâm Viên.[45]

Cùng với việc xác lập địa vị hành chính, dân số Đà Lạt cũng tăng lên mạnh mẽ và các công trình xây dựng dần mọc lên. Vào năm 1923, nơi đây chỉ có 1.500 dân cư, tới năm 1938, dân số thành phố đã lên đến 9.000 người và năm 1944, Đà Lạt trở thành một đô thị hơn 25 ngàn dân.[46] Năm 1921, kiến trúc sư Ernest Hébrard nhận nhiệm vụ thiết lập đồ án quy hoạch Đà Lạt. Hoàn thành vào tháng 8 năm 1923, đồ án của Ernest Hébrard thể hiện một tầm nhìn và tham vọng rất lớn: xây dựng Đà Lạt trở thành thủ phủ của Liên bang Đông Dương.[47] Năm 1933, kiến trúc sư Louis Georges Pineau đưa ra một đồ án chỉnh trang thành phố với một quan niệm thực tế hơn và hầu hết những nét chủ đạo của đồ án này vẫn được giữ lại trong Chương trình chỉnh trang và phát triển Đà Lạt năm 1943.[47] Giai đoạn từ năm 1916 cho tới Chiến tranh thế giới thứ hai, các công trình cơ sở hạ tầng của Đà Lạt cũng dần hoàn thiện. Năm 1918, nhà máy điện được xây dựng, từ năm 1919 đến 1921, trường học, kho bạc, bưu điện và trạm xá lần lượt xuất hiện.[48] Những năm đầu thế kỷ XX, ở Đà Lạt chỉ có những ngôi nhà gỗ, năm 1908 mới xuất hiện ngôi nhà gạch không tô đầu tiên. Nhưng đến thập niên 1920 và 1930, hàng loạt những công trình kiến trúc quy mô lớn đã được xây dựng, như khách sạn Langbian Palace, trường Trung học Yersin, ga Đà Lạt, dinh Toàn quyền...[49] Giai đoạn này, các cơ sở văn hóa và giáo dục cũng bắt đầu phát triển, một số trường học như Trung học Yersin, Couvent des Oiseaux hay Thiếu sinh quân thu hút học sinh đến từ khắp Việt Nam và cả Đông Dương.[50] Năm 1938, khi nhà ga xe lửa hoàn thành, thời gian đi từ Hà Nội đến Đà Lạt chỉ mất 48 giờ, du khách tìm đến thành phố nghỉ dưỡng ngày một đông.[51] Năm 1944, Đà Lạt gần như là thủ đô của Liên bang Đông Dương khi Toàn quyền và hầu hết các công sở quan trọng đều chuyển về làm việc ở đây.[52] Sau gần 30 năm xây dựng, Đà Lạt vào năm 1945 đã trở thành một thành phố xinh đẹp của vùng Viễn Đông, một trung tâm giáo dục quan trọng và một điểm du lịch hấp dẫn.[45]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Lịch_sử_Đà_Lạt http://web.archive.org/web/20070205140731/http://w... http://baolamdong.vn/xahoi/201010/da-Lat-lam-gi-de... http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinh... http://www.thanhnien.com.vn/news/pages/200913/2009... http://www.thanhnien.com.vn/news1/pages/20100221/t... http://www.lamdong.gov.vn/ http://www.lamdong.gov.vn/vi-VN/congdan/thong-tin-... http://kienthuc.net.vn/dien-dan/tinh-chuyen-thay-a... https://commons.wikimedia.org/wiki/Category:Histor...